HỌC SINH VỚI LUẬT AN NINH MẠNG
7-10-2022
Trường THPT Kon Tum xin lược trích bài tuyên truyền pháp luật của thầy Nguyễn Ngọc Duyệt - Hiệu trưởng Trường THPT Kon Tum với chủ đề Học sinh với Luật An ninh mạng, nhân dịp hướng đến kỉ niệm Ngày Pháp luật Việt Nam 09-11.
HỌC SINH VỚI LUẬT AN NINH MẠNG
CT
“Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.
I. Về luật Luật An ninh mạng
Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 gồm 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (Công nghiệp 4.0), nền giáo dục đang thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh dạy học trực tuyến, học sinh sử dụng thiết bị công nghệ ngày càng nhiều. Điều này đặt ra vấn đề về đảm bảo an toàn cho học sinh và không vi phạm pháp luật khi tham gia học tập, giải trí trên không gian mạng.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật An ninh mạng, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. (điểm 1 điều 2). An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. (điểm 2 điều 2). Bảo vệ an ninh mạng là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng.Luật nêu rõ, an ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Luật chỉ ra rõ những hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng. Cụ thể:
Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng
1. Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây:
a) Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này;
b) Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
c) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;
d) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;
đ) Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng;
e) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.
2. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
3. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống  xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử của người khác.
4. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.
5. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.
6. Hành vi khác vi phạm quy định của Luật này.

II. Học sinh Trường THPT Kon Tum tuân thủ Luật An ninh mạng

1. Về sử dụng phương tiện điện tử, phần mềm tin học, những ứng dụng công nghệ thông tin, cần lưu ý:
Phương tiện điện tử, phần mềm tin học…, Học sinh được sử dụng, phổ biến là máy tính, điện thoại di động… thông qua Facebook ; Zalo để tương tác với thầy cô giáo và bạn học là điều rất tốt và nay cần phát huy.
Facebook ; Zalo… (hoặc những ứng dụng của dịch vụ mạng truyền thông), Học sinh được sử dụng và khuyến khích cho mục đích tích cực, nhất là để tương tác với thầy cô giáo và bạn bè trong học tập và các hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Tuy nhiên
 2. Sử dụng phương tiện điện tử, phần mềm tin học, những ứng dụng công nghệ thông tin,… Học sinh không vi phạm:
Học sinh không vi phạm những quy định ở Điều 8, Điều 17, Điều 18 của Luật An ninh mạng. Cụ thể:
- Không “a dua” theo đám đông, HS chúng ta là lực lượng đông đảo tham gia học tập, giải trí trên không gian mạng và ở độ tuổi này các em nhận thức chưa đầy đủ sự đúng sai, có thể a dua theo đám đông hoặc bị lợi dụng nên dẫn tới vi phạm vào các điều cấm (những điều không được làm) trong Luật An ninh mạng.
- Ví dụ: Tại điểm 3 (Điều 8 - cấm) ghi: Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm … (nghĩa là: Sử dụng điện thoại, máy quay phim, các công cụ phền mềm, như: Facebook ; Zalo, Tiktok …) phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng viễn thông,…; xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử của người khác.
- Tại mục d, đ, e của điểm 1 (Điều 17) ghi: Phòng, chống gián điệp mạng; bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng;
d) Đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật;
đ) Cố ý nghe, ghi âm, ghi hình trái phép các cuộc đàm thoại;
e) Hành vi khác cố ý xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư. (Nếu HS sử dụng Facebook ; Zalo, Tiktok … phát tán những thông tin nói trên là vi phạm pháp luật).
- Tại điểm 3 (Điều 18): Phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội:
- Hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử (sử dụng Facebook ; Zalo): Đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng là vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
- Theo quy định pháp luật, nhà trường yêu cầu HS khi sử dụng phương tiện điện tử, phần mềm tin học, những ứng dụng công nghệ thông tin, như máy tính, điện thoại, Facebook ; Zalo, Tiktok không thực hiện:
+ Đăng tải các thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng bao gồm: kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân; kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự;
+ Đăng tải các thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm: xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;
+ Đăng tải các thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế bao gồm: thông tin bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu, tín phiếu, công trái, séc và các loại giấy tờ có giá khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, chứng khoán;
+ Đăng tải thông tin trên không gian mạng có nội dung sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;
+ Các hành vi gián điệp mạng; xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng bao gồm: chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác; bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
+ Hành vi cố ý xóa, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác; bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư được truyền đưa, lưu trữ trên không gian mạng; cố ý thay đổi, hủy bỏ hoặc làm vô hiệu hóa các biện pháp kỹ thuật được xây dựng, áp dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư; đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật;
+ Hành vi cố ý nghe, ghi âm trái phép các cuộc đàm thoại; hành vi khác cố ý xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư;
+ Các hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng internet; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền internet; vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng;
+ Giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm giả, lưu hành, trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người khác; phát hành, cung cấp, sử dụng các phương tiện thanh toán trái phép;
+ Tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật;
+ Hướng dẫn người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; hành vi khác sử dụng không gian mạng vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;
+ Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe công đồng.

III. Về thi hành Luật An ninh mạng

Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Đối với việc xử lý khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của học sinh trong việc sử dụng mạng xã hội: Căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của hành vi và năng lực trách nhiệm pháp lý của các em học sinh, cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP và Luật An ninh mạng hoặc nghiêm trọng hơn là các biện pháp hình sự trong Bộ luật Hình sự hiện hành.

IV. Về tuyên truyền, giáo dục:  

- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 46/2020/TT-BGDĐT quy định về việc đưa nội dung an ninh mạng nói riêng và vấn đề giáo dục Luật An ninh mạng nói chung vào chương trình trung học phổ thông.
- Thường xuyên lồng ghép, tích hợp trong hoạt động giáo dục để trang bị cho học sinh kiến thức tự bảo vệ mình trước thông tin xấu, độc, nguy hại; giúp học sinh bảo vệ bản thân, tránh việc sa ngã vào con đường vi phạm pháp luật, phạm tội, giúp các em học tập, vui chơi, giải trí một cách lành mạnh, an toàn.
- Vấn đề an ninh mạng còn nhằm giáo dục năng lực số trong khung năng lực số của UNESCO như năng lực sử dụng thiết bị số, năng lực xử lý thông tin trong môi trường số, năng lực giao tiếp trong môi trường số, an toàn trong quá trình làm việc, học tập trong môi trường số và cách giải quyết vấn đề khi có sự cố.

Trường THPT Kon Tum  
Số lượt xem:10754