Trong tâm khảm người Việt Nam, người làm nghề giáo được xã hội trân trọng gọi bằng từ “thầy” - trân trọng không chỉ bởi thầy là người truyền đạt tri thức mà còn yêu mến vì nhân cách, vì thầy là tấm gương mà trò noi theo. Nhân dân ta tôn trọng, đề cao nhà giáo và nghề dạy học bởi thiên chức của nghề dạy học. Thiên chức của nhà giáo không chỉ “dạy chữ” mà quan trọng hơn là “dạy người”, dạy cho học sinh đạo lý làm người.
Từ giáo dục có gốc Hán-Việt (教育), gồm hai chữ giáo (教) và dục (育). Giáo nghĩa là dạy dỗ, chỉ bảo, hướng dẫn; Dục trong từ giáo dục có nghĩa là chăm sóc, nuôi nấng, sinh thành… Nói tóm lại, từ giáo dục theo gốc Hán -Việt có nghĩa là chỉ bảo, dạy dỗ, chăm sóc. Nó bao gồm không chỉ việc dạy học (giáo), mà có cả sự thương yêu, quan tâm chăm sóc (dục) trong đó. Người thầy cảm hóa, giáo dục và khai sáng cho học sinh không chỉ bằng kiến thức môn học, mà còn bằng cả tấm gương đạo đức, bằng lối sống, phong cách sống cao đẹp của mình. Bởi vậy ngay từ thời phong kiến, người thầy luôn được nhân dân và toàn xã hội xem trọng, tôn vinh, họ kính thầy và tôn vinh sự học. Thầy giáo thời ấy là biểu tượng của sự hiểu biết và phẩm hạnh.
Ngày nay, bên cạnh sự tôn vinh người dạy học và nghề dạy học, xã hội có sự thay đổi nhiều, vì vậy nghề dạy học cũng như địa vị người thầy cũng có sự thay đổi. Xu hướng đổi mới “Dạy học lấy học sinh làm trung tâm” đã đặt học trò lên vị trí chủ thể của giáo dục. Người thầy giờ đây chỉ là người hướng dẫn, gợi mở, dẫn dắt học sinh trên con đường tìm kiếm tri thức. Mối quan hệ thầy - trò trở thành mối quan hệ song hành, dân chủ và không còn sự quyền uy, áp đặt như trước nữa. Học sinh không những được tự do tranh luận, trao đổi với nhau, mà còn được tranh luận với thầy, thể hiện tính dân chủ trong quan hệ thầy – trò, thúc đẩy tính năng động, tích cực của học sinh, tránh được sự thụ động, áp đặt một chiều từ phía người thầy. Tri thức không còn nằm độc quyền trong tay người thầy nữa mà bản thân người học có thể tìm kiếm ở nhiều nguồn khác nhau.
Tuy nhiên, đại dương kiến thức quá rộng lớn bao la, người học không thể nào tự nắm bắt chọn lọc. Lúc đó vai trò của người thầy càng thể hiện rõ hơn, họ sẽ là người chỉ đường dẫn lối đưa người học đến gần hơn với bến bờ tri thức.Vị trí, vai trò của người thầy cao hay thấp do chính người thầy tự tạo dựng lên trong từng giờ học trước học trò của mình đang trực tiếp giảng dạy. Dẫu ở bất cứ không gian nào, thời gian nào, người thầy vẫn cứ phải là người dẫn dắt, người mà lớp lớp các thế hệ trò đều phải lấy đạo tôn kính mà ứng xử.
Có thể thấy dù có sự thay đổi trong phương thức giáo dục, song mối quan hệ giữa thầy – trò vẫn luôn được đề cao. Mối quan hệ đó không chỉ là nét đẹp văn hoá, thể hiện truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam mà cũng là một con đường để tiếp nhận văn hoá một cách tốt nhất. Dù người học tiếp cận với rất nhiều kênh thông tin, hiểu biết rất nhiều, nhưng họ vẫn khâm phục, yêu kính những người thầy hiểu sâu, biết rộng; sự hiểu biết đó chinh phục họ, và chính đó là một trong những yếu tố tạo uy tín cho người thầy.
Xã hội xưa hay xã hội hiện đại, thì vai trò và địa vị của người thầy đều được mọi người tôn trọng. Vì người thầy có trọng trách nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài góp phần tích cực trong việc xây dựng xã hội lành mạnh, văn minh và tiến bộ. Để hoàn thành trọng trách đó, bản thân người thầy cũng luôn chú trọng đến giữ gìn sự thanh cao của “ngôi đền giáo dục”.
Những ngày tháng qua, đâu đó trên các phương tiện truyền thông, xã hội vẫn bắt gặp những thông tin không hay về người thầy. Trong đội ngũ hàng triệu người đang làm nghề dạy học, tránh làm sao khỏi những cá nhân không đứng vững được trước những cám dỗ của đời sống vật chất hoặc trước những đòi hỏi có khi vượt qua khả năng chịu đựng, sự kiên nhẫn của cá nhân người thầy đó. Nhưng xã hội cũng nhìn thấy rằng, con số đó không nhiều, tỷ lệ đó không cao, bởi rất nhiều, rất nhiều người thầy – trước nhiều áp lực - vẫn vững vàng thực hiện thiên chức của mình.
“Hơn ai hết, chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo chúng ta cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn. Điều này cần nhiều phía và liên quan nhiều yếu tố, nhưng trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo chúng ta. Chỉ có thể bằng sự cố gắng, gương mẫu, bằng trí tuệ và tấm lòng yêu nghề, yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn, chúng ta mới dần làm cho nghề giáo của chúng ta tôn nghiêm thêm.
Chúng ta cần làm vững thêm niềm tin của xã hội, nhưng muốn thế, trước hết chúng ta phải tự tin vào chính mình, tin vào khả năng, tin vào phẩm chất nhà giáo, đạo đức nhà giáo mà chúng ta đang có và đang tạo dựng. Vẫn còn không ít những tâm tư và lo lắng, những thiệt thòi và thậm chí là oan uổng. Những lúc như vậy, hãy nhìn về phía học trò thân yêu, lẽ phải cao nhất và sự bù đắp lớn nhất nằm ở đó. Đó là nguồn cảm hứng và nguồn năng lượng sáng tạo bất tận của nhà giáo chúng ta” (Trích Thư của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi các nhà giáo, ngày 9/4/2021)
Trong kỷ nguyên kinh tế tri thức, đầu tư cho giáo dục và đào tạo chính là chìa khóa để mở ra con đường đi đến thành công và thịnh vượng của đất nước ta, vì mục tiêu của giáo dục là góp phần đào tạo ra người công dân thời đại mới có ích, nắm vững tri thức, kỹ năng khoa học kỹ thuật công nghệ để xây dựng đất nước, quê hương mình. Người Thầy đang giữ vai trò, trọng trách lớn trong việc ươm mầm những thế hệ công dân mới mà xã hội đang cần, bởi “Sự gương mẫu của người thầy giáo là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gì thay thế được” (Usinxki).